Ưu và nhược điểm của nhà lệch tầng
Kiến trúc lệch tầng là một giải pháp thích hợp cho những căn nhà có diện tích hạn chế, vừa tận dụng tối đa không gian, lại vừa giúp thông thoáng cho tổng thể ngôi nhà.
Bản chất nhà lệch tầng là có độ chênh cốt giữa các tầng. Vì vậy, khi làm nhà loại này cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tính chất sử dụng, sở thích cá nhân, số lượng người trong gia đình... để đem lại cảm giác lạ, mới mẻ cho không gian. Nên lưu ý, trong trường hợp nhà hẹp và dài, kết cấu lệch tầng sẽ hợp lý, có thể kết hợp với không gian cầu thang để thông thoáng chiếu sáng cho phần giữa nhà. Ngược lại, với dạng mặt bằng ngắn hoặc gần vuông, làm thẳng tầng hoặc áp dụng kiểu cầu thang thay đổi vị trí sẽ có tiện lợi về diện tích.
Mặt cắt của dạng kiến trúc lệch tầng.
Nhà lệch tầng thường có hai dạng chính. Thứ nhất, nâng phần sau bếp và nhà ăn lên vài bậc để phân chia không gian với phần trước nhà. Từ độ cao của phần sau nhà, thiết kế cầu thang đi lên tầng và cứ đan qua đan lại để lên các tầng trên. Với cách này, mặt bằng nền của các tầng sẽ lệch nhau.
Cách thứ hai, thay vì nâng nền phần sau lên vài bậc, tạo ra một sàn lửng, có cầu thang đi lên, xem như tầng lửng. Như vậy, phần sau nhà có độ cao chỉ vào khoảng 2,5 m, dùng để xe, kho hay nhà vệ sinh. Trên tầng lửng, có thể bố trí bếp và nhà ăn. Dạng thiết kế này hạn chế là không nối rộng được không gian khi cần thiết.
Nhà lệch tầng có ưu điểm lớn nhất là dễ dàng tạo sự thông thoáng.
Thiết kế nhà lệch tầng có những ưu điểm mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, nhất là sự thông thoáng. Cầu thang của kiểu nhà này thường đặt ở khoảng giữa nên có thể tạo giếng trời, vườn cảnh để giúp thông thoáng và cho phép ánh sáng vào nhà. Các tấm sàn không kéo dài suốt mà thay đổi và tạo những ống hút gió xiên giữa tầng này với tầng kia (tất nhiên phải có lối cho gió vào).
Tầm nhìn giữa các tầng đa dạng, phong phú, khả năng quan sát và đi lại thoải mái, không nhàm chán. Cầu thang sau khoảng chục bậc lại có thể đi vào được một tầng, cho phép di chuyển thuận tiện và có nhiều chiếu nghỉ. Do đó, đa số các ngôi nhà lệch tầng đều có chung cảm giác lạ, như có nhiều không gian và nhiều sự hấp dẫn.
Ưu điểm tiếp theo là sử dụng không gian hữu dụng hơn, chẳng hạn garage để xe, phòng ngủ cho người giúp việc hoặc kho để đồ... đặt dưới tầng trệt không cần cao, bên trên là phòng khách hoặc bếp. Trong nhà lệch tầng, các khu vực chức năng phân chia tách bạch, dễ dàng bố trí, tiện dụng và đẹp hơn.
Không chỉ thế, nhà lệch tầng còn đón được nắng và gió từ bên ngoài vào thuận tiện hơn, từ trên xuống, từ mặt trước và mặt sau vào sâu trong giếng trời. Sử dụng những tấm lan can bằng kính sẽ còn giúp không gian sinh động, hiện đại hơn. Từ phòng khách, không gian mở ra sân trước xuống sâu đến gần sàn nhà và mở ra phòng ăn trong giếng trời ở một cao độ khác. Ngôi nhà được nối rộng ra, phóng tầm mắt qua kính. Tuy có độ cao khác nhau nhưng dường như các không gian sống trở nên gần gũi với nhau hơn đồng thời không bị tách biệt với cảnh quan bên ngoài.
Lan can kính giúp cho căn nhà rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, nhà lệch tầng cũng có những hạn chế nhất định. Thứ nhất là tổng thể ngôi nhà về mặt giao thông bị chia ra bởi các cao độ khác nhau, nối với nhau bằng cầu thang nên gây một số bất tiện khi gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già. Hơn thế nữa, nếu không làm toilet riêng theo từng tầng thì xảy ra tình trạng từ tầng này phải lên tầng kia dùng toilet.
Nhược điểm nữa là ở nhà lệch tầng, công năng sử dụng không linh hoạt bằng nhà thẳng tầng vì việc đi lại bị giới hạn, chỉ bao quát trong tầm nhìn. Ngoài ra, khi thiết kế và thi công nhà lệch tầng, đòi hỏi tính toán kỹ cốt cao độ và bậc thang.