Chào mừng bạn đến với Anduy Archi thế giới kiến tạo - Welcome to Anduy Archi for creative people

7/26/2009

TIÊU CHUẨN NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH

Theo trang web của Bộ xây dựng, có ý kiến hỏi về một số vướng mắc khi nghiệm thu công trình như sau:

1. Việc nghiệm thu vật liệu xây dựng trước khi đưa vào sử dụng trong công trình ở TCXDVN 371-2006 và Nghị định 209/2004/NĐ - CP có quy định khác nhau, việc này thực hiện như thế nào?”.

2. Trong công tác nghiệm thu công việc, thành phần trực tiếp ký nghiệm thu của nhà thầu thi công là người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp, người đó có phải là chỉ huy trưởng công trình tham gia và bắt buộc phải ký tên trong các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng hay không? Nếu không thì không cần thiết phải có chức danh chỉ huy trưởng công trường?.

3. Trường hợp Chỉ huy trưởng công trường ủy quyền cho người không đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường (không có bằng cấp chuyên môn) ký toàn bộ biên bản nghiệm thu và chịu trách nghiệm trước mình, công ty, pháp luật về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động là đúng hay sai?.

Sau khi nghiên cứu, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP thì Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình thông qua việc:

- Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kết quả thí nghiệm, kết quả kiểm định.
- Thực hiện kiểm tra trực tiếp vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình trong trường hợp có nghi ngờ về chất lượng.
Nghị định số 209/2004/NĐ-CP không hạn chế việc nghiệm thu vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình như TCXDVN 371-2006 đã quy định. Vì vậy Chủ đầu tư có quyền tổ chức nghiệm thu theo TCXDVN 371-2006 nếu thấy cần. Tuy nhiên việc nghiệm thu này nên được thống nhất ngay từ đầu với các đơn vị tham gia xây dựng công trình.

2. Trong công tác nghiệm thu, Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định 3 bước nghiệm thu là:
- Nghiệm thu công việc xây dựng.
- Nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng (gọi tắt là nghiệm thu Bộ phận - giai đoạn).
- Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng đưa vào sử dụng (gọi tắt là nghiệm thu Hạng mục - Công trình hoàn thành).

Đối với bước nghiệm thu công việc xây dựng, người ký biên bản nghiệm thu công việc về phía nhà thầu là cán bộ kỹ thuật thi công trực tiếp công việc được nghiệm thu.
Đối với bước nghiệm thu Bộ phận - giai đoạn, theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì người ký biên bản nghiệm thu này về phía nhà thầu là người phụ trách thi công trực tiếp của nhà thầu (có thể là Tổ trưởng tổ quản lý chất lượng, Trưởng phòng kỹ thuật của nhà thầu hoặc Chỉ huy trưởng công trường nếu được phân công phụ trách kỹ thuật).

Đối với bước nghiệm thu Hạng mục - công trình hoàn thành, theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì người ký biên bản nghiệm thu này về phía nhà thầu là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu và người phụ trách thi công trực tiếp của nhà thầu. Người phụ trách thi công trực tiếp ký ở bước nghiệm thu này là người chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc thi công tại hiện trường toàn bộ hạng mục hoặc công trình được nghiệm thu (chỉ huy trưởng công trường).
Theo Điều 64 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP thì chức danh Chỉ huy trưởng công trường là một trong những điều kiện bắt buộc phải có để xác định điều kiện năng lực của nhà thầu, để lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp với phạm vi công việc.

3. Trước tiên phải khẳng định việc ủy quyền trên là vi phạm quy định của pháp luật vì thứ nhất người được ủy quyền không có năng lực phù hợp với công việc được ủy quyền, thứ hai là người được ủy quyền chỉ chịu trách nhiệm trước người ủy quyền, người ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước công ty, trước pháp luật về các công việc mà người được ủy quyền thực hiện.


TCXDVN371-2006.

NĐ-209(Bản tiếng Việt).

NĐ-209.(English).