Sơ đồ tầng hầm của nhà phố. |
Việc chỉnh trang nhiều con đường đã dẫn đến tình trạng nền nhà thấp hơn mặt đường. Ở một số khu vực, việc hạn chế chiều cao xây dựng cũng khiến chủ nhà gặp khó khăn khi muốn tăng diện tích sử dụng. Trong trường hợp đó, xử lý tầng một thành hầm là một giải pháp.
Độ dốc từ mặt đường vào nhà thông thường là 12%. Với một số căn nhà phố ngắn, sát ngay mặt đường, không có sân, có thể tạo độ dốc khoảng 20-25%. Ở độ dốc này, cứ đi vào 1 m chiều dài trong hầm thì nền sẽ thấp xuống 25 cm.
Nền và vách hầm cần đổ bê tông cốt thép dày 20 cm để tránh nước ngầm hoặc nước thải từ các nhà lân cận thấm vào. Tất nhiên, công đoạn chống thấm phải được xử lý kỹ và đúng kỹ thuật thì nước thải mới có thể thoát ra đường cống công cộng.
Ngay chân đường dẫn dốc xuống trong hầm, thiết kế rãnh âm để hứng nước mưa tràn và dẫn sang lỗ ga. Từ lỗ ga này thiết kế máy bơm, bơm ngược ra đường khi mưa lớn gây ngập.
Trên thực tế, nhiều chủ nhà do bị khống chế cao độ đã cố tìm thêm không gian sâu xuống đất nên thường làm tầng hầm quá sâu gây khó khăn cho thi công và sử dụng. Một tình trạng khác khá phổ biến hiện nay là các tầng hầm thường có quá nhiều đà, cột, vừa làm mất thẩm mỹ, vừa làm giảm chiều cao tầng hầm, gây vướng víu và dễ bị đụng đầu khi ra vào.
Độ cao của tầng hầm thường khoảng 2,2 m là đạt yêu cầu. Nếu các đà "chận" xuống chừng 20-30 cm thì hầm sẽ thấp lại, ra vào khó khăn. Vì vậy, cần hạn chế tối đa cho mọi hệ cột, đà trong hầm. Một căn hầm được thiết kế đẹp thì không chỉ dùng làm nơi đậu xe mà còn có thể làm văn phòng, nơi buôn bán hoặc các công năng khác.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)