Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó trong phần menu chiếc điện thoại di động của bạn có một mục riêng là Home – Nhà. Chỉ cần bấm một cái là bạn có thể biết chắc cửa đã khoá chưa, gas đã ngắt chưa hay có thành viên nào trong gia đình đang ở nhà không. Đó là một viễn cảnh trong phim? Viễn cảnh đó là rất gần thôi khi ngôi nhà của bạn trở nên thông minh
Một ngôi nhà thông minh có thể giao tiếp với chủ nhà chỉ bằng một màn hình cảm ứng |
Nhà thông minh và khái niệm mới về ngôi nhà “động”
Nhà thông minh hay smart home không phải ý tưởng của một nhà phát minh, một kiến trúc sư (KTS) hay khoa học gia nào đó, nó là một xu hướng đã xuất hiện và phát triển trên thế giới gần một thập kỷ qua. Xu hướng này xuất hiện cùng với sự bùng nổ của công nghệ đặc biệt là các thiết bị điện tử và internet. Từ cách hiểu truyền thống một ngôi nhà ở thế tĩnh, một nơi sinh hoạt, ăn ngủ bình thường, những ngôi nhà thông minh chuyển sang thế động với khả năng giao tiếp với con người cũng như thực hiện những hành vi nhất định.
KTS từng đoạt giải thưởng Pritzker 2002 Glenn Murcutt cho rằng: “Kiến trúc hiện đại đòi hỏi một ngôi nhà không chỉ đẹp mà còn phải đảm bảo yếu tố tiện nghi. Tiện nghi đối với một ngôi nhà thông minh là chính nó là một thành viên tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Bạn quên một nồi xúp trên bếp nó sẽ tự tắt lửa, bạn giặt một mẻ quần áo trong máy nó sẽ báo khi công việc giặt giũ đã xong”.
Trong ngôi nhà của bạn đang ở có một chiếc máy báo khóc không? Hay một hệ thống camera quan sát được người bấm chuông ngoài cửa? Hoặc một chiếc máy hút mùi có khả năng tự ngắt điện bằng cảm biến? Tất cả những thiết bị đó là khởi đầu của một ngôi nhà thông minh, chúng giảm bớt cho người sống trong nhà những vấn đề và nguy cơ trong sinh hoạt thường ngày.
“Chính từ những thiết bị rất bình thường, xu hướng nhà thông minh đã bắt đầu ra đời”, ông Javier Xamora, giám đốc công ty Eneo Labs chuyên nghiên cứu nhà thông minh lý giải. “Chúng ta vẫn thường xây một ngôi nhà với gạch, xi măng và những đường dây điện, ống nước... nhưng ngôi nhà thông mình còn có một mạng lưới mà chúng tôi gọi là mạng thông tin (information network) với một “đầu não chính nằm tại một phòng nhất định cho phép ngôi nhà thực hiện và quản lý các hoạt động của mình”.
Công ty Eneo Labs đã xây dựng một số ngôi nhà mẫu theo mô hình nhà thông minh tại Barcelona và hiện có 70 hộ gia đình đang sống trong những ngôi nhà như vậy. Mạng thông tin cho phép chủ nhà làm chủ được ba hệ thống chính: an ninh, quản lý năng lượng (điện, nước) và giải trí – sinh hoạt (âm nhạc, báo thức, pha cà phê…).
Những tấm pin mặt trời không còn xa lạ với nhiều gia đình tại châu Âu |
Ngoài các thiết bị camera, hệ thống an ninh còn trang bị các thiết bị cảm ứng, khoá điện tử cho phép ngôi nhà chủ động kiểm tra cửa ngõ khi không có ai trong nhà và khoá cửa, cảnh báo chủ nhà về sự đột nhập khi khoá điện tử bị xâm hại. Hệ thống quản lý năng lượng tổ chức các công việc phân phối điện năng sử dụng trong nhà, thông báo với chủ nhà lượng điện năng tiêu thụ đang ở mức đủ hay thừa hoặc thiếu và chủ nhà có thể nhập lệnh tắt bớt đèn hoặc thiết bị ngay trên máy tính. Hệ thống này cũng chủ động tổ chức lượng nước sử dụng tuỳ theo lượng nước trong bể chứa. Công việc thứ ba của ngôi nhà là các hoạt động giải trí – sinh hoạt. Ngôi nhà có thể điều phối âm nhạc theo ý muốn chủ nhân trong từng phòng bất cứ lúc nào, tự thiết lập kênh truyền hình ưa thích của người xem trong gia đình hoặc đánh thức chủ nhân mỗi sáng, thậm chí cả nhắc việc được “dặn” cho chủ nhân. Với một hệ thống như vậy ngôi nhà đã trở thành người quản gia của chính mình!
Tất nhiên việc điều khiển và “trao đổi” với ông quản gia này không khó khăn gì. Hệ thống máy tính chủ trong nhà là đầu não của mạng thông tin. Ở đó chủ nhà có thể truyền lệnh cho ngôi nhà theo ý mình. Nhưng với các thiết bị cầm tay như PDA hay điện thoại thông minh, chủ nhân cũng có thể nhận các báo cáo hoặc kiểm tra mọi việc khi không ở nhà.
Mô hình của Eneo Labs không phải là duy nhất. Rất nhiều những mô hình nhà thông minh khác đang được thử nghiệm tại Anh, Australia hay Mỹ. Vậy tại sao mô hình này chưa trở nên phổ biến? Có một số lý do được các chuyên gia đưa ra, trong đó vấn đề công nghệ chưa hoàn thiện là quan trọng. GS Fabrizio Cavani thuộc đại học Bologna, Ý lý giải: “Tuy chúng ta đã ứng dụng được thế mạnh của các công nghệ cảm biến, công nghệ nhận biết và internet nhưng vẫn còn những kẽ hở và nguy cơ chưa thể giải quyết được khiến các nhà sản xuất không dám nhân rộng mô hình này một cách vội vàng. Đơn cử là nếu hacker tấn công vào hệ thống quản lý của một ngôi nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra?!”.
Năng lượng gió cũng đang được thử nghiệm cho các ngôi nhà dân dụng |
Thông minh là thân thiện
Từ thân thiện – friendly đang trở nên quen thuộc trong các công trình kiến trúc. Thân thiện nghĩa là tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt và sử dụng những vật liệu không có hại cho môi trường cũng như sức khoẻ con người. Và đây cũng chính là khía cạnh thứ hai của một ngôi nhà thông minh, thân thiện với môi trường và cuộc sống.
Có ba loại năng lượng đang được ưa chuộng để thay thế điện năng: năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng từ đất. Theo tờ PopSci, nếu một ngôi nhà có thể sử dụng cả ba loại năng lượng này sẽ tiết kiệm được 60 – 80% điện năng sử dụng!
Thực tế năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang khá phổ biến tại các nước châu Âu và Mỹ. Nhiều gia đình đã sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà và các cột thu gió nhỏ để tích luỹ điện năng cho gia đình. Thậm chí tại Seattle, một nhà vật lý còn chế tạo ra loại vật liệu làm mái nhà có thể hấp thụ ánh sáng ban ngày và chuyển hoá thành năng lượng sưởi ấm cho ngôi nhà của ông!
Năng lượng từ đất hay địa năng chắc chắn còn là một khái niệm mới nhưng đã được sử dụng rất thành công tại một số mô hình như ngôi nhà xanh của ông Jim Elniski tại Chicago. Khi xây nhà Jim đào hẳn một tầng hầm sâu hàng chục mét với mục đích duy nhất là hấp thụ địa năng. “Bằng thiết bị lưu giữ, chúng tôi có một nguồn năng lượng dồi dào và rất hiệu quả. Mùa hè chúng tôi không cần dùng máy điều hoà còn mùa đông thì ngôi nhà luôn ở nhiệt độ ấm áp!” Mô hình của Jim Elniski đã nhận được sự tán thưởng của nhiều người dân tại Mỹ khi mà ông có thể bán lại được điện cho nhà nước từ nguồn điện do chính mình tạo ra.
Năm 2007, hãng Living Tomorrow (Mỹ) giới thiệu mô hình ngôi nhà sử dụng công nghệ pin nhiên liệu kết hợp giữa oxy trong không khí và hydro từ những bình gas trong vườn. Phản ứng điện hoá trong pin tạo ra điện, nhiệt và nước sạch. Mô hình này kết hợp cả hệ thống mạng thông tin quản lý tất cả các năng lượng sử dụng trong một máy tính trên tường giúp chủ nhân theo dõi “sức khoẻ”của ngôi nhà một cách dễ dàng.
Cho tới nay, nhà thông minh vẫn là một xu hướng mang tính thử nghiệm. Tuy nhiên sự phát triển của xu hướng này cho thấy tương lai rất gần của những ngôi nhà mang tính “động” với khả năng tự làm chủ bản thân và đối thoại với chủ nhà. Quan trọng hơn, nhà thông minh đang khiến con người không chỉ thay đổi quan niệm về ở mà còn thay đổi cả một quan niệm sống bớt tàn phá và tăng cường chia sẻ.
Bài và minh hoạ: Thanh Minh