Nhà ở cho người thu nhập thấp : Bài học từ Singapore
PGS.TS Sim Loo Lee
HOCMOINGAY. Từ một nước đại đa số người dân sống trong các khu ổ chuột, khu định cư lụp xụp, nhếch nhác, đến nay 91% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% người dân được sở hữu nhà ở giá thấp. Singapore và Hongkong là hai đất nước nổi tiếng ở châu Á về việc phát triển và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân. Để có được kết quả này, từ những năm 1960, Singapore đã thiết lập những định chế rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển nhà ở giá thấp. PGS.TS SIM Loo Lee, Trưởng khoa Bất Động Sản, Đại học Quốc gia Singapore cho biết:
" Tại Singapore, từ năm 1960, chúng tôi đã thành lập Cơ quan Phát triển nhà ở chuyên phụ trách về quy hoạch quỹ đất, xây dựng và trợ cấp cho vay đối với người mua nhà giá thấp. Chúng tôi cũng đã thành lập Quỹ tiết kiệm Trung ương, quỹ này phụ trách chỉ đạo các tổ chức tuyển dụng lao động đóng 13% và người lao động đóng góp lương hàng tháng 20% vào quỹ như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà".
Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay, một trong những bất cập làm cho các doanh nghiệp bất động sản ít mặn mà trong việc đầu tư xây dựng nhà xã hội cho người có thu nhập thấp là tỷ suất lợi nhuận thấp, thủ tục cấp phép thiết kế xây dựng, đóng tiền sử dụng đất… rờm rà, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng chi phí đầu vào.
Trong khi đó, tại Singapore, các tổ chức tư nhân tham gia vào xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và các thủ tục hành chính rõ ràng và được thực hiện nhanh chóng. Để đẩy mạnh các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, vấn đề quỹ đất cũng đang là khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản.
Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Thành phố HCM : "Góp phần cho sự phát triển nhà ở giá phải chăng, Chính phủ phải có kế hoạch sử dụng đất công đang bị sử dụng lãng phí bằng cách thu hồi lại để cung cấp cho cơ quan phát triển nhà ở có nguồn quỹ đất này, đồng thời miễn tiền sử dụng đất, miễn các loại thuế chẳng hạn, chi phí đầu ra thấp, giá nhà hạ xuống hợp lý hơn và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân".
Theo đề án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2009 - 2015, cả nước sẽ đầu tư trên 18.000 căn hộ, tổng vốn gần 50.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, kích cầu thông qua việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang được Chính phủ rất quan tâm. Vì vậy, tham khảo kinh nghiệm thành công từ những nước lân cận để đẩy mạnh mảng đầu tư này sẽ rất hữu ích.
Nguyệt Hà
Quy hoạch đô thị Thành phố HCM : Kinh nghiệm từ Singapore
Những năm đầu của thập niên 60, đô thị Singapore còn hết sức ngổn ngang ; quá trình đô thị hóa cũng phát sinh nhiều căn bệnh đô thị như tăng dân số, ngập nước, thiếu nhà ở… Nhưng sau 30 năm thực hiện đô thị hóa, đảo quốc này đã trở thành một trong những đô thị hiện đại nhất thế giới. Kinh nghiệm của Singapore có áp dụng được gì cho Thành phố HCM ?
Tại cuộc hội thảo “ Singapore - Quá trình xây dựng và phát triển nhà ở mang đẳng cấp quốc tế” do Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại Thành phố HCM vừa tổ chức, nhiều nhà quản lý quy hoạch đến từ Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm với các nhà quản lý đô thị Việt Nam.
Từ Singapore
Tiến sĩ Lưu Thái Cách, Tổng giám đốc Cơ quan Tái phát triển Singapore - người được xem là tổng công trình sư xây dựng một đô thị Singapore hiện đại như ngày nay - cho biết, những năm đầu của thập niên 60, GDP của Singapore vào khoảng 600 USD. Điều này chứng tỏ tài lực để đất nước này tiến hành đô thị hóa cũng chẳng “thoải mái” gì. Nhưng để giải tỏa cùng lúc được nhiều khu ổ chuột, xây dựng cùng lúc hàng trăm ngàn căn hộ tái định cư, chính phủ này đã thực hiện phương châm “lấy lợi nhuận để tái đầu tư”. Theo đó, khi xây dựng khu công nghiệp hay khu thương mại, chủ đầu tư phải dành một khoản tiền hoặc một phần lợi nhuận để xây dựng nhà cho dân. Có điều lý thú, số lượng nhà xây cho dân ở Singapore bằng ngân sách nhà nước chiếm hơn 85%, còn doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 15%. Tiền để xây nhà bán cho dân ( tất nhiên không theo giá kinh doanh ) chủ yếu lấy từ khoản thu các công trình xây dựng trên vùng đất bị giải tỏa. Khi xây dựng khu dân cư mới, hạ tầng ( kỹ thuật và xã hội) phải được kết nối với các vùng xung quanh và chu đáo tạo cho người dân yên tâm khi về nơi ở mới.
Để giải quyết tận gốc các căn bệnh đô thị như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… chính phủ Singapore thực hiện việc quy hoạch rất nghiêm ngặt. Theo các nhà quy hoạch Singapore, công tác quy hoạch đã được thực hiện trên từng mét vuông. Những năm xây dựng đất nước mặc dù rất cần nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính phủ tuyên bố “không thu hút nhà đầu tư bằng mọi giá, phải kiểm soát được môi trường”. Ông Lin Son Lim đến từ Công ty Keppel cho biết, công cuộc phát triển của Singapore cũng chính là công cuộc đô thị hóa, chính vì vậy phải có tầm nhìn xa, chính phủ quyết là làm chứ ít khi bàn tới bàn lui. Singapore cũng thành công với việc phát triển các đô thị vệ tinh, mỗi đô thị quy mô từ 200 - 300 ngàn dân nhằm tránh sự tập trung dân cư quá đông ở khu dân cư. Trong quá trình đô thị hóa, Singapore rất chú trọng đến những công trình kiến trúc cổ hoặc mang nét văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái và kiên quyết bảo vệ. Nhiều ngôi nhà cổ được “tân trang” thành khách sạn để vừa đảm bảo yếu tố bảo tồn vừa có thể khai thác về mặt kinh tế.
Đến thành phố Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBNDTPHCM cho biết : Quy hoạch và quản lý đô thị là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm cho sự phát triển của Thành phố HCM trong quá trình phát triển để phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu cần đáp ứng về nhà ở của Thành phố ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2010, dân số Thành phố sẽ lên đến 10 triệu người nên từ nay Thành phố phải phấn đấu xây dựng thêm 32 triệu m2, bảo đảm nâng diện tích đầu người lên 14m2/người. Công cuộc phát triển nhà ở nói riêng và quy hoạch nói chung của Singapore là một thành công rất lớn, do đó hội thảo này là một trong những hoạt động rất cần thiết để Thành phố học hỏi kinh nghiệm, để định hướng về quy hoạch đô thị, phát triển, quản lý đô thị và xây dựng môi trường sống một cách tốt nhất.
Singapore hiện nay là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với 430 dự án có tổng giá trị đăng ký cam kết là 7,9 tỷ USD. Năm 2005, thương mại song phương của Việt Nam với Singapore đạt 10,4 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2004. Ông Ted Tan, Phó tổng cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore cho biết : Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục và đưa Việt Nam lên hàng những quốc gia phát triển nhanh nhất tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc. Với nền kinh tế phát triển mạnh và sự thịnh vượng nội địa tăng, Việt Nam đã chứng kiến nhu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng sống cao hơn trong những khu dân cư được quy hoạch tốt. Hơn nữa, mật độ dân cư ở các quận trung tâm Thành phố HCM ngày càng cao, điều đó cho thấy nhu cầu về căn hộ cao tầng cần được đáp ứng để giải quyết tình trạng thiếu đất đô thị cho viec xây dựng nhà cửa. Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và chiến lược phát triển nhà cao tầng và mật độ cao đã rất thành công, do đó Singapore sẽ rất vui mừng được góp phần vào sự tăng trưởng và chuyển mình của Việt Nam qua việc chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của chúng tôi trong lĩnh vực này.
Trao đổi với PV báo GD Thành phố HCM, TS Lưu Thái Cách cho biết, ông đánh giá cao việc chính quyền và người dân cố gắng giữ gìn những ngôi nhà cổ trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo, nếu không tỉnh táo không gian đô thị sẽ bị phá vỡ, nhất là các công trình cổ có giá trị về mặt văn hóa. Vấn đề môi trường cũng phải hết sức lưu tâm.
Đỗ Minh Kha
Thành phố sống tốt : Bắt đầu từ chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp
Là đô thị lớn và được coi là “miền đất hứa” thu hút nhân tài và trí tuệ của cả nước, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì Thành phố HCM vẫn chưa phải là một “thành phố sống tốt” so với các đô thị lớn trên thế giới. Vậy Thành phố HCM cần phải làm những gì để trở thành “thành phố sống tốt - đô thị văn minh - hiện đại…” là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Viện Kinh tế Thành phố HCM và Trung tâm Toàn cầu hóa, Đại học Hawaii ( Hoa Kỳ ) mới tổ chức .
Tiêu chí của “thành phố sống tốt”
Để xác định thế nào là một “thành phố sống tốt”, Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực quốc tế Mercer ( Hoa Kỳ ) đã dựa trên nhiều tiêu chí như: thành phố sống tốt, phát triển bền vững, thành phố sức khỏe… Tựu trung lại là làm sao để phục vụ cuộc sống con người ngày một tốt hơn.
Theo các tiêu chí này, dựa trên việc khảo sát chất lượng cuộc sống ở 215 thành phố lớn trên toàn thế giới năm 2006 thì 2 đô thị lớn của nước ta là : Thành phố HCM được 61,9 điểm ( xếp thứ 148 ) và Hà Nội được 60 điểm ( xếp thứ 155 ).
“ Vấn đề đặt ra là tại sao nước ta đặc biệt là thủ đô Hà Nội và Thành phố HCM đang có bước phát triển kinh tế rất cao mà điểm xếp loại chất lượng cuộc sống lại thấp như vậy ? ” - Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố HCM băn khoăn.
Về vấn đề này, GS - TS Mike Douglass, Đồng Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa ( Đại học Hawaii – Hoa Kỳ ), cho rằng mặc dù Thành phố HCM đang có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, áp lực phát triển kinh tế quá lớn, lượng người nhập cư tăng vọt… khiến các tiêu chí phát triển đô thị bền vững chưa bảo đảm.
Vậy thế nào là một thành phố sống tốt ? Các chuyên gia xã hội học hàng đầu thế giới của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực quốc tế Mercer đã đưa ra 39 tiêu chí theo 10 nhóm để xác định. Cụ thể: Về môi trường chính trị xã hội ( sự tuân thủ pháp luật, tỷ lệ tội phạm ra sao và sự ổn định chính trị… ); về môi trường kinh tế ( các dịch vụ ngân hàng, thu hút đầu tư ); môi trường văn hóa xã hội; y tế và sức khỏe ( các vấn đề như ô nhiễm không khí, các dịch vụ bệnh viện, nguồn cung cấp nước uống, việc thu gom rác thải, nước thải… ) ; hệ thống giáo dục và trường học được chuẩn hóa cao; dịch vụ công và vận chuyển ( nguồn cấp nước, tình trạng tắc nghẽn giao thông, vận chuyển thư tín, vận tải hàng không, đường bộ… ); dịch vụ văn hóa giải trí ( các loại nhà hàng, công viên, rạp chiếu phim… ) và những vấn đề về sản phẩm tiêu dùng, chương trình nhà ở, môi trường tự nhiên…
“Hãy bắt đầu bằng chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp”
Đó là quan điểm của Tiến sĩ Jim Spencer, Chủ nhiệm khoa Quy hoạch vùng – Trường Đại học Hawaii. Theo ông Spencer, kinh nghiệm xây dựng “thành phố sống tốt” của các quốc gia hàng đầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Nga, Pháp, Singapore… đều cho thấy ở mỗi thành phố lớn, việc phát triển nhà ở đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp hết sức quan trọng.
Nếu so với các nhu cầu như: môi trường sống, chăm sóc y tế, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vui chơi giải trí… thì nhà ở vẫn là nhu cầu cấp thiết nhất. Tiến sĩ Spencer cho rằng: “ Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, Thành phố HCM đã và đang có rất nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở mới mọc lên nhưng chưa hề có nhà dành cho người thu nhập thấp. Với một thành phố hiện đại, văn minh, sống tốt, việc quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp là việc làm quan trọng để hướng đến các tiêu chí khác”.
Cùng quan điểm với ông Spencer, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ đem lại nhiều cái lợi cho việc cải thiện nâng cấp đô thị. “ Nếu chúng ta có đủ nhà cho người thu nhập thấp thì sẽ không còn cảnh nhà ổ chuột ven kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, không còn cảnh các phòng trọ lụp xụp gây mất trật tự trong các khu dân cư, xóa bỏ các căn nhà xây cất tạm bợ ở các quận vùng ven… Có nhà thu nhập thấp , công nhân, viên chức, trí thức nghèo sẽ an tâm làm việc, cống hiến nhiều hơn cho thành phố, cho đất nước”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng - Đại học Quốc gia Thành phố HCM phân tích.
Ngoài vấn đề nhà ở, các chuyên gia đã đưa ra 18 tiêu chí “sống tốt” để phát triển thành phố trong tương lai. Đó là: giao thông đi lại thuận lợi, giảm dần nạn kẹt xe, vỉa hè đi lại thông thoáng; được cung cấp điện và nước sạch đầy đủ; giảm ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn; chống ngập nước nội thị, khơi thông, khôi phục các dòng kênh theo hướng sinh thái; thu gom và xử lý nước thải tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; tạo thêm không gian công cộng, không gian văn hoá; tạo mảng xanh đô thị; giảm tệ nạn xã hội; tạo nhiều công ăn việc làm; chăm sóc sức khoẻ người dân tốt; giảm nghèo; tăng cường giáo dục; cải cách hành chính; nâng cao hoạt động các đoàn thể xã hội; cung cấp và thu nhập thông tin từ người dân; thường xuyên điều tra thu thập ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ các dịch vụ công…
Việt Hùng
8/10/2009
Nhà ở cho người thu nhập thấp : Bài học từ Singapore
Nhãn: News