Chào mừng bạn đến với Anduy Archi thế giới kiến tạo - Welcome to Anduy Archi for creative people

8/08/2009

Nhà nhiệt đới

Giải thưởng kiến trúc TP.HCM năm 2008 ở tiêu chí dành cho kiến trúc sư dưới 30 tuổi có tên công trình “Nhà nhiệt đới” với tác giả là KTS Trần Thị Ngụ Ngôn và KTS Phan Thanh Hùng. Cái tên tác phẩm và tiêu chí kiến trúc sư trẻ gợi tò mò cho tôi với ý nghĩ, nếu không là một công trình “hoành tráng” thì chắc sẽ có những tìm tòi lạ! Nhưng qua điện thoại, khi biết công trình của mình đạt giải, KTS Trần Thị Ngụ Ngôn còn hỏi lại “Vậy hả? Chắc không chị?” và mô tả về công trình là “đơn giản và bình thường lắm. Bữa nào mời chị lên xem”!

Hướng chính đông của ngôi nhà với bức tường hai lớp quay về phía phân xưởng

Gọi là “lên xem” bởi tuy công trình đạt giải thưởng kiến trúc TP.HCM nhưng lại nằm mãi ở Đồng Nai. Hẹn được ngày, cả Ngụ Ngôn và Thanh Hùng cùng đưa phóng viên KT&ĐS đi thăm công trình. Hiển nhiên là câu chuyện trên đường đi của hai bạn kiến trúc sư trẻ chỉ xoay quanh công trình mà hai bạn đặt tên là “Nhà nhiệt đới”. Đó là một công trình nhà ở kết hợp văn phòng làm việc nằm trong khuôn viên một phân xưởng sản xuất. Như vậy, giải pháp đặt ra cho hai kiến trúc sư trẻ là không chỉ xử lý thông thoáng để chống lại cái nắng, cái nóng nhiệt đới mà còn phải quan tâm đến bụi, đến tiếng ồn.

Thoạt nhìn bên ngoài, đây là một công trình vừa phải, có hình khối đẹp với tỷ lệ hợp lý. Vì là nhà ở kết hợp với văn phòng làm việc nên có yêu cầu làm sao để từ nhà vẫn quan sát được công việc bên ngoài.

Mặt tiền nhà tính theo hướng chính nam nhưng “mặt tiền” dài hơn là phần hông nhà dài mở ra hướng đông. Hướng bên hông này là phần lộ diện, có thể quan sát được bố cục của ngôi nhà. Đây cũng chính là hướng quay về phía xưởng thép. Giải pháp “che chắn” ở đây gồm tường hai lớp có các khung bao che bên ngoài được thiết kế mảng khối lớn để cách ly bụi và tiếng ồn. Những lõm khoét bên hông tường tạo những khoảng cách nhiệt cho căn nhà do cây xanh và bóng râm của tường bao che tạo nên. Một hàng cây xanh được trồng bên hông, cản bớt ánh nắng chiếu vào nhà. Sự kết hợp mảng đặc rỗng tạo nên khối nhà có sự mềm mại.

Bên trong nhà, cảm giác mát mẻ còn tăng lên khi người thiết kế sử dụng nhiều hồ nước chạy dọc hai bên và trước nhà. Gió từ bên ngoài đưa hơi mát vào bên trong.

Đường nét đơn giản, nhiều mặt phẳng, ít chi tiết là những điều có thể thấy rõ trong ý đồ của người thiết kế. Một ít gạch gốm nổi tiếng của vùng Đồng Nai được nhấn nhá trên mảng tường, tạo chút duyên và ngầm nhắc về xuất xứ của ngôi nhà là những vật trang trí ít ỏi. KTS Trần Thị Ngụ Ngôn giải thích điều này: “Trong quan niệm của chúng tôi mỗi đường nét của công trình đều đóng góp cho giá trị của công trình bằng dấu ấn của người thiết kế. Ở đây là những hình khối giản dị, đường nét khoẻ mạnh và sự thuần khiết”.

Trả lời câu hỏi vì sao lại đặt tên là “Nhà nhiệt đới”, KTS Phan Thanh Hùng tâm sự: “Chúng tôi đặt ra tiêu chí khi thiết kế một công trình là phải đáp ứng nhu cầu cuộc sống của chủ nhân ngôi nhà, giải quyết vấn đề của khí hậu nhiệt đới và thẩm mỹ, đề cao không gian, công năng và hình khối”.

Tôi thì muốn nói thêm, đâu chỉ là nắng và nóng nhiệt đới, giải pháp của hai bạn kiến trúc sư trẻ đã xử lý cả bụi và tiếng ồn. Vì thế tôi mới đặt tên bài là Nhà nhiệt đới và hơn thế nữa...

KTS Trần Thị Ngụ Ngôn sinh năm 1979 tại Đồng Nai.

Sinh viên đại học Kiến trúc TP.HCM khoá 1998 - 2003. Hiện chị đang làm việc tại công ty cổ phần Nhân Bản.

Quan niệm: “Giá trị của công trình kiến trúc không hẳn phụ thuộc vào kích thước hay quy mô công trình. Nhà ở dân dụng là một mảng kiến trúc khó nhưng rất phong phú và hấp dẫn. Nó vừa phải thoả mãn nhu cầu phức tạp và đa dạng của người sử dụng và cũng phải thể hiện được cá tính nghề nghiệp của người kiến trúc sư”.

KTS Phan Thanh Hùng sinh 8.4.1979 tại thành phố Đà Nẵng.

Sinh viên trường đại học Kiến trúc TP.HCM khoá 1998 - 2003. Hiện đang công tác tại công ty cổ phần Nhân Bản

Quan niệm: “Đối với tôi không có sự phân biệt công trình lớn hay công trình nhỏ mà với một diện tích như vậy, với một không gian như vậy v.v… cố gắng sao tạo được giá trị thực cho nhu cầu sử dụng. Đáp ứng nhu cầu THỰC cho người sử dụng. Bên cạnh đó giữa con người với thiên nhiên đối với mình là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc thiết kế”.

Một khoảng trống của bức tường hai lớp cũng là lối vào bên hông nhà

Đằng sau lớp tường ngoài là hồ nước nằm trong hành lang hút gió làm mát ngôi nhà

Hai góc nhìn khác nhau của “hành lang giải nhiệt” nằm ở phía tây của ngôi nhà

Bản vẽ mặt bằng tổng thể với vị trí ngôi nhà trong phân xưởng
Bản vẽ mặt đứng ngôi nhà với giải pháp xử lý chắn nắng, chống nóng
Mặt bằng trệt
Mặt bằng lầu 1
Mặt bằng lầu 2
Bài và ảnh: Thu Thuỷ