Chào mừng bạn đến với Anduy Archi thế giới kiến tạo - Welcome to Anduy Archi for creative people

8/05/2009

Giữ nét quê ở chốn... nhà quê!


KT&ĐS - Một hoạ sĩ từ Hà Nội về quê để tạo dựng căn nhà. Căn nhà ở chốn nhà quê nhưng lại không “quê” chút nào. Căn nhà “không quê” ấy đã góp phần làm thay đổi cách xây nhà ở một vùng quê. Nhiều người cũng theo anh chối bỏ bêtông mái bằng và các thứ chóp “đặc trưng” cho nhà phố để làm... nhà quê!

Góc sân trời giữa nhà với cửa sổ các gian nhìn vào trong sân. Đá núi, gỗ xoan khai thác tại chỗ, những cánh cửa cũ tận dụng… mà mang tính hữu dụng kiểu tư duy hiện đạ

Thực ra thì không phải ngẫu nhiên mà hoạ sĩ Bùi Hoài Mai lại chạy về quê làm nhà. Anh đã gắn bó với vùng quê này từ 10 năm nay qua việc lập một xưởng gốm của mình.

“Những điều tôi học ở trường mỹ thuật rất gần với kiến trúc. Với sự hỗ trợ của các phần mềm hiện đại như hiện nay, việc thể hiện ý tưởng càng thêm thuận lợi. Được sự hợp tác của những người chuyên làm xây dựng, tôi đã có những căn nhà ưng ý với mình”, hoạ sĩ Bùi Hoài Mai nói.

Ngôi nhà nằm trên một vùng quê rất đẹp, cách thủ đô Hà Nội 30km: làng Na và làng Kiều, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh – một vùng đất nổi tiếng với những làn điệu quan họ. Quá trình sửa chữa căn nhà ba gian mua lại của một người dân tại Hiên Vân đã khơi dậy ở Bùi Hoài Mai sự thích thú. Anh nhận thấy qua ngôi nhà truyền thống ở quê tính thực tiễn, tính linh hoạt cả trong cách xây dựng và sử dụng. Nhân công tại chỗ và cách xây dựng khá đơn giản. Cách sử dụng vật liệu sẵn có và phong phú, phần lớn là bằng gỗ xoan ngâm, tre ngâm (một điều thú vị là khi người ta sinh con cũng là lúc trồng xoan trong vườn để chuẩn bị ngôi nhà cho đứa con lúc trưởng thành), gạch chỉ, đá, đất trộn rơm đắp tường, sân thì đất nện, đất đóng thành gạch mà không cần nung… Các vật liệu đó tự nó đã thể hiện được vẻ đẹp mà không cần phải tô vẽ thêm nhiều. Một ví dụ điển hình trong cách dùng vật liệu như cây gỗ xoan, nó được sử dụng hết sức triệt để: đoạn thẳng được dùng làm quá gian, làm cột nhà, các cành nhỏ hơn được dùng làm xà, hoành, rui, mè... Đoạn cong được đẽo thành những đoạn kẻ chuyền, kẻ chim để đỡ mái với khả năng chịu lực rất tốt mà hình thức lại rất duyên dáng… Điều quan trọng là làm thế nào tận dụng tối đa vật liệu đó để giảm giá thành cho căn nhà mà tính sử dụng vẫn cao, mùa đông ấm và mùa hè mát, có thể co hẹp, mở rộng thêm tuỳ theo nhu cầu mà không phải phá vỡ cái hiện có... Khi những người dân địa phương nơi đây đang ước mơ một căn nhà kiểu “thành phố” với mái bằng đổ bê tông có chóp nhọn, họ không tin một gã thành phố lại muốn quay lại ở trong ngôi nhà kiểu “nhà quê”. Và sau khi họ dần nhận ra những căn nhà “phố” nóng bức, thiếu không gian xanh đó không phù hợp với nông thôn, đã có nhiều người quay lại xây những căn “nhà quê kiểu mới” với thiết bị vệ sinh hiện đại. Một không gian sống tiện nghi trong một mái nhà truyền thống.

Với cách thi công tiết kiệm, “giấc mơ nhà” đã trở thành hiện thực với rất nhiều bạn bè của anh. Tiêu chí “ngôi nhà là một tổng thể với môi trường, trả lại cho thiên nhiên từng mét đất nếu có thể”, theo anh, công việc của kiến trúc sư không chỉ là xây một ngôi nhà mà còn xây một cách sống. Tại làng Na, nơi có căn nhà đầu tiên anh dựng, nay đã có một sự đồng nhất về phong cách kiến trúc “làng quê Bắc bộ kiểu mới”. Những căn nhà “ba gian hai chái” khá kỹ càng với các chi tiết nội thất, phù điêu, tượng trong vườn,... vừa kế thừa sự tinh tế của người xưa, đồng thời vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Không chỉ có vậy, sau khi “cùng” xây dựng với anh, những người dân nơi đây đã tự có thêm nhiều nghề: làm gốm, nội thất gỗ, sơn mài, khắc tranh, tre,... Hy vọng ngôi làng nhỏ bé với một mảng đời sống rất thuần Việt này một ngày không xa sẽ trở thành điểm du lịch “homestay” hấp dẫn cả về con người và kiến trúc.

Cổng vào và khoảnh sân nhỏ trước căn nhà thứ nhất lát bằng đá núi lấy ngay tại mỏ đá của làn

Gian bếp và bàn ăn được làm bằng những vật liệu địa phương như đất, đá, gạch,...

Những bức tượng gốm theo phong cách dân gian được làm tại xưởng gốm của hoạ sĩ cùng mái ngói nhỏ che miệng giếng khơi, nằm lặng lẽ dưới gốc cây lộc vừng,... cho thấy một cảm giác thật yên bình

Căn nhà thứ hai vốn dĩ được làm trên một hố khai thác đá ở lưng chừng núi. Nếu dùng giải pháp lấp đất để lấy mặt bằng xây dựng thì thật tốn kém. Một cái ao nhỏ được đào để lấy tiếp đá xây nhà, và nó biến thành nơi chứa thoát nước của toàn bộ khu nhà. Các cây thuỷ sinh có nhiệm vụ làm sạch nước và tạo cảnh quan. Qua nhiều năm sử dụng, nước ao vẫn sạch và nuôi được cá

Tận dụng giếng tự nhiên tạo không gian đối lưu thông thoáng cho phòng ăn và cả khu vườn

Hiên tầng hai là nơi chủ nhà và bạn hữu thường uống trà, đàm đạo và ngắm trăng... Toàn bộ gian uống trà và gác ăn của “nhà giếng” với vật liệu gỗ xoan khai thác tại chỗ, mái ngói cũng là sản phẩm của thợ làng

Gác phòng ăn bằng gỗ xoan nhìn từ phòng ngủ

Vì đặc thù địa hình dốc của một ngôi nhà xây trên sườn đồi, lối vào được gia cố chắc chắn phần cửa dành cho xe hơi, lát đá hộc và tường đắp đất sét

Một cầu thang ximăng nhỏ lên tầng mái chuông, nơi để thiền và ngắm toàn cảnh ngôi làng

Địa chỉ: Làng Na và làng Kiều, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Thiết kế Hoạ sĩ Bùi Hoài Mai (đại học Mỹ thuật Hà Nội, triển lãm tranh cá nhân và video art tại Hà Nội, TP.HCM, Pháp, Mỹ, Úc các năm 1997, 2000, 2002, 2004, 2006, 2009)

Bài và ảnh: Tường Huy