Bếp không nằm trong... nhà bếp
Nhà phố, nhà ống thông thường bếp thiết kế nằm ở cuối hay gần cuối nhà cùng với khu vực bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do điều kiện mặt bằng, do lối sinh hoạt riêng của gia chủ... bếp lại được bố trí ở nhiều nơi như trên lầu, sân thượng hay ngay trước nhà
Gọi là nhà bếp vì trước đây nhà ở thường toạ lạc trong vườn, đất đai rộng rãi và đun bếp bằng rơm rạ, than củi khói đùn lên dày đặc nên bếp cất thành một nhà nhỏ riêng đằng sau vườn nhà hay bên hông. Nay, đô thị hoá đến cả nông thôn, nhà phố diện tích co lại và hầu hết đun bằng gas nên buộc phải đưa khu vực bếp ăn vào trong ngôi nhà ở. Cùng với nhiều thiết bị làm bếp hiện đại sử dụng nguồn điện mà bếp trở nên sạch đẹp, sang trọng và là nơi thư giãn, tái tạo năng lượng thực sự cho các thành viên trong gia đình. Chính vậy, không gian bếp được thiết kế mở, không còn đóng khung trong những vách ngăn. Bếp có thể bố trí mọi nơi miễn sao thích hợp với những điều kiện “sống” và có công năng thuận lợi nhất.
Trước kia bếp nằm trong một căn nhà riêng mà hiện ở quê vẫn còn duy trì |
Bếp trên tầng cao
Nhà ông Quốc Chung ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh chuẩn bị xây một trệt, hai lầu và sân thượng trên diện tích 60m2. Bản vẽ thiết kế biểu thị không gian bếp ăn trên sân thượng, ông Chung cho biết, sau khi bàn bạc kỹ với kiến trúc sư mới đi đến thiết kế cụ thể đó. Tầng trệt sẽ mở văn phòng, sinh hoạt gia đình ở các lầu bên trên; nếu bếp đặt ở lầu một thì từ lầu hai đi xuống cũng như đi lên sân thượng. “Vậy bố trí bếp ở sân thượng có vườn kiểng lại càng hay, vừa thông thoáng tự nhiên, vừa làm nơi sinh hoạt chung gia đình, vừa có thể tiếp bạn bè... lai rai cũng vui”, ông Chung nói.
Cùng ý nghĩ như ông Chung, nhiều nhà có diện tích rộng hơn, tổ chức thêm một bếp nữa trên sân thượng dụng vào những lúc tiếp bạn bè, thân hữu hoặc làm không gian sinh hoạt chung. Ở đó có thể tổ chức những bữa ăn đồ nướng trên than (barbecue) rất tiện lợi, thoáng và thích nghi vì không bị vương nặng khói bụi vào nhà. Các căn hộ trên cùng của những chung cư cao tầng (penthouse) cũng thường thiết kế bếp ăn trên sân thượng. Không gian rộng mở ở tầng cao sẽ thoáng đãng, yên tịnh và lý thú cho những bữa ăn, buổi tiệc có tính gia đình.
Bếp ăn trên sân thượng nhà ống lầu 3 thoáng mát và độc lập |
Bếp với vườn thoáng tự nhiên
Điều quan trọng là đặt được bếp ở những vị trí mà có sự thông thoáng tự nhiên là hay nhất và ưu tiên hàng đầu. Tình huống khó “xoay xở” lắm mới dùng tới giải pháp thông thoáng nhân tạo bằng quạt hút hay máy hút mùi. Theo kiến trúc sư Trần Thái Nguyên, nhiều nhà có máy hút mùi nhưng lắp đặt sai, không gian bếp cũng ngột ngạt; “máy không chỉ khử mùi mà cần phải nối đường ống thổi vào hộp gen kỹ thuật để cho thoát hơi, khói ra ngoài hay nối ống thổi ra khoảng không nào đó, chứ không thể bỏ lắp đặt ống thổi hơi này”.
Tổ chức bếp ăn nối với sân vườn sau nhà hay một bên nhà cũng là cách thiết kế thú vị, dù vườn cảnh đó chỉ nhỏ hay vừa đủ. Tại các vị trí đó, có thể bố trí bếp ăn phía trong nhà, mở rộng cửa kính đến tận sàn; bình thường khi mưa nắng, đóng cửa lại nhưng vẫn “vãn” được cảnh vườn. Khi trời ráo hay chiều hôm, có thể mở toang cửa đưa bàn ăn ra vườn, nối hai không gian bếp và vườn cảnh làm một.
Hoặc trên những diện tích nhà không vuông vức, có khoảng nhô ra, nếu thuận lợi về thông thoáng, tổ chức thích hợp các không gian chức năng; có thể đưa bếp vào chỗ dôi ra đó. Như vậy, vừa có cảm giác nhà được “bình ổn” lại, vừa cho cảm giác nhà rộng ra vì như có không gian nhà bếp hay bếp ăn riêng.
Bên cạnh bếp là phòng khách trong không gian mở, chẳng có sự ngăn cách nào |
Bếp không ở trệt cũng không cuối nhà
Kiến trúc sư Dominique Dung, giám đốc điều hành công ty tư vấn thiết kế ADC tại Pennsylvania - Mỹ cho biết, cứ xây 100 căn nhà ở Mỹ thì thường có 10 căn tổ chức bếp ăn ở ngay phía trước nhà, “bởi chủ nhà thường xuyên tiếp khách trên bàn ăn uống”. Đó cũng là lý do để người thiết kế thực hiện theo lối sống thường khi và sở thích của gia chủ. Hoặc vào những thế đất nhà có chiều ngang rộng ví dụ, bếp có thể bố trí ra phía trước nhà – nơi có hướng tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Và thường những khu vực bếp ăn, phòng khách là không gian mở, liên thông nhau; vừa nới rộng không gian, thông thoáng, vừa tạo được sự thân thiện.
Bếp nằm ở tầng lửng thường thấy, do diện tích tầng trệt không đủ để “dung chứa”. Nhiều khi, tầng trệt chỉ làm nơi để xe, vệ sinh hay chỉ là phòng khách và bếp ở tầng lửng sẽ thoáng khí hơn. Bếp đưa lên các tầng lầu trên cao cũng có những điều kiện sử dụng riêng. Chẳng hạn, những tầng phía dưới mở văn phòng, cho thuê... nhưng dù xếp đặt ở đâu thì tiên quyết vẫn là làm sao tạo được sự thông thoáng tự nhiên. Và bếp ngày nay còn là nơi thư giãn cho quý bà, ở đó còn có ti vi, có võng, ghế bố, phố-tơi, có giá đựng sách báo cho người đứng bếp giải trí.
Dù xem hướng nhưng bếp phải thuận lợi
Theo kiến trúc sư Hà Anh Tuấn, với nhà bếp, người Việt thường quan tâm đến phong thuỷ và không ít người thiết kế “nhức đầu” về việc này. Đặt ở đây, ông chủ nói không hạp tuổi; sửa lại phía kia bà chủ bảo thầy nói không nên... Để tìm tiếng nói chung, theo kinh nghiệm dân gian, trong phong thuỷ có vạch ra “nhất vị nhị hướng”. Theo đó, KTS Tuấn cho rằng, với phong thuỷ khoa học là cứ “chọn vị trí tốt, thuận lợi để thiết kế khu vực bếp, sau đó tuỳ gia chủ mà có thể xoay bếp về hướng nào; nhưng nhất thiết vẫn nằm trong vị trí đã chọn”.
Khi đã kiến tạo được bếp nằm ở nơi tiếp cận được với môi trường tự nhiên thì nguồn sáng trời vẫn sáng sủa hơn cả. Bằng không, theo kỹ sư Nguyễn Quốc Thống, để thắp soi cho khu vực bếp như trên bồn rửa, trên bếp lò... có thể sử dụng đèn ánh sáng trắng và thiết kế “giấu” những bóng đèn này để mắt không bị loá mà chỉ thấy ánh sáng lan toả. Riêng trên bàn ăn nên dùng nguồn sáng vàng ấm – dễ kích thích ăn uống cả về việc trông “bắt mắt” thức ăn.
Bài và ảnh Nguyễn Tâm
Ví dụ vài thiết kế | |